Thanh Thúy: 'Ca hát và làm chính trị không xung đột'
Thanh Thúy: 'Ca hát và làm chính trị không xung đột'
Gặp ca sĩ Thanh Thúy sau buổi văn nghệ phục vụ một đơn vị bộ đội ở Bình Phước. Mồ hôi lấm tấm vì biểu diễn liên tục 3 bài hát nhạc đỏ, Đoàn phó Đoàn nghệ thuật quân khu 7 chia sẻ niềm vui khi tái trúng cử Hội đồng nhân dân thành phố.
Trong nhiệm kỳ trước, điều gì chị hài lòng nhất và điều gì chị chưa thể thực hiện được?
Tôi không cảm thấy áp lực mà nhận thấy với những việc làm còn đang dang dở, vấn đề còn tồn tại trong xã hội thì phải cùng mọi người nỗ lực thực hiện. Tôi là một thành viên của Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng Nhân dân, trực tiếp tham gia nhiều hoạt động của ban như: văn hóa, y tế, giáo dục, những vấn đề dân sinh.
Có những việc phải đeo bám, cần lộ trình thực hiện như hoàn thiện các thiết chế văn hóa làm sao để việc thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, nhóm dân cư không có sự cách biệt lớn. Khi tôi tái đắc cử ở Hóc Môn là một huyện ngoại thành thì tôi còn trăn trở nhiều hơn để đời sống văn hóa tinh thần ở đây làm sao tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, tôi tiếp tục thực hiện dự án đưa âm nhạc dân tộc vào trường học. Tôi đã theo đuổi đề tài này suốt thời gian qua. Đề tài này đã nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Nhân dân và lãnh đạo của Sở Giáo dục. Khi bắt tay viết dự án đưa âm nhạc vào trường học, tôi lại nhận được rất nhiều ủng hộ của các chuyên gia đầu ngành, nghệ sĩ có trình độ cao về âm nhạc và có tâm huyết với nghề.
Nghệ sĩ làm chính trị có những khó khăn gì?
Khi tôi tái cử nhận được số phiếu cao, điều này phản ánh là trong nhiệm kỳ vừa qua những việc mình làm đã được cử tri nhìn nhận. Việc đó cũng một phần do sự ảnh hưởng của người công chúng.
Tuy nhiên, là người của công chúng ra ứng cử bên cạnh sự thuận lợi mà còn mang trách nhiệm của bản thân là khi cử tri biết mình là nghệ sĩ thì phải thể hiện hình ảnh của người đại biểu Hội đồng Nhân dân trên tất cả các mặt. Cử tri muốn biết, qua lăng kính của người làm nghệ thuật, mình nhìn nhận các vấn đề xã hội như thế nào. Tôi quan tâm đến nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh thực phẩm, văn hóa nghệ thuật và sẽ tiếp tục đeo bám trong thời gian tới.
Không những thế, là người Hội đồng Nhân dân, mình phải đọc, quan sát, nắm bắt thông tin. Kênh thông tin hữu hiệu nhất là tiếp xúc cử tri, thông tin nào chính xác và cần thiết thì kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền.
Có ý kiến là nghệ sĩ không nên làm chính trị mà làm chính trị thì không nên làm nghệ sĩ vì hai công việc này quá khác biệt. Chị nghĩ sao?
Tôi không nghĩ thế. Nhiệm kỳ vừa rồi mình đã làm tốt vai trò đại biểu của mình. Đương nhiên Hội đồng Nhân dân cần nhiều đại biểu ở các lĩnh vực khác nhau tham gia. Qua mỗi lĩnh vực thì mỗi người có lăng kính khác nhau, góp tiếng nói vào công việc của đất nước. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ có kỹ năng mềm tốt, giúp cho việc tiếp cận cử tri tốt và hiệu quả cao hơn.
Chị nghĩ sao khi có ý kiến rằng, nghệ sĩ tham gia tích cực vào Hội đồng Nhân dân nhưng để tạo sức ảnh hưởng đến nghệ thuật thì chưa nhiều?
Đó là một trong những trăn trở của tôi và các anh chị em nghệ sĩ khác khi trúng cử. Trong một cuộc họp của Hội đồng Nhân dân có rất nhiều vấn đề thành phố đưa ra. TP HCM lại là trung tâm của cả nước, bao nhiêu vấn đề nảy sinh về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... Văn hóa nghệ thuật cũng được quan tâm nhưng có những vấn đề khác được ưu tiên hơn.
Vì vậy, mọi việc phải được giải quyết có lộ trình cụ thể. Thành phố vẫn đang trong quá trình xây dựng các thiết chế văn hóa. Tôi tin khi có những thiết chế này thì thành phố sẽ quản lý tốt hơn các vấn đề văn hóa, nghệ thuật biểu diễn.
Nhận xét
Đăng nhận xét